Năm anh em nông dân ở đất nghề Xuân Tiến


Đường vào cụm công nghiệp Xuân Tiến


Nói là công ty gia đình, "năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn", nhưng không ai dựa dẫm vào ai. Cơ chế hoạt động của công ty rất rành mạch, nguyên tắc: Các xí nghiệp thành viên ngoài một khoản vốn nhỏ góp vào công ty để mở tài khoản phục vụ công việc chung, toàn bộ vốn liếng, thiết bị, các xí nghiệp tự quản lý và tự chủ sản xuất, kinh doanh đều được hạch toán độc lập. Sản xuất, kinh doanh hằng năm hiệu quả đến đâu tự khắc biết!
Trong cơ chế thị trường, cạnh tranh rất khắc nghiệt, sau mười năm, tất cả thành viên Công ty Nhật Việt đều làm ăn hiệu quả. Mỗi người đều trở thành những "ông chủ", có cơ sở sản xuất, với thiết bị máy móc và vốn liếng làm ăn không nhỏ. Không những thế, họ còn góp phần làm sống dậy làng nghề, thổi bùng khát vọng trong lớp trẻ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nhớ lại năm 1995, sau một thời gian làm ăn kém hiệu quả, HTX cơ khí của xã phải giải thể. Là thợ cơ khí, ông Ðinh Thanh Thiểm đã gom nhặt vốn liếng của gia đình mua sắm một số công cụ cần thiết về mở cơ sở sản xuất tại gia đình. Thật ra lúc đó cũng chưa biết xoay xở làm ăn ra sao nhưng cái được trước mắt là giải quyết việc làm cho đàn con đã khôn lớn.
Ðiều mà ông Thiểm không ngờ là cả năm người con trai: Việt, Trung, Hải, Bằng, Giang đều say mê với nghề nghiệp mà ông đã truyền dạy và chí thú làm ăn. Ðến khi lập gia đình ra ở riêng, mỗi người lại tự gây dựng cơ sở sản xuất để lập nghiệp.
Khác với một số hộ gia đình trong xã, anh em nhà họ Ðinh không làm ăn theo nếp cũ, quanh quẩn với những sản phẩm quen thuộc: con dao, cái cuốc hay các đồ gia dụng. Họ đi vào sản xuất những mặt hàng mà thị trường lúc đó đang cần: đột mặt sàng cho máy xát gạo, nhiệt luyện, cán phôi lưỡi cưa; rồi nghiên cứu chế tạo hoàn chỉnh máy xay xát gạo. Sản phẩm lưỡi cưa đã được cánh thợ cưa xẻ đánh giá chất lượng không kém lưỡi cưa một hãng lớn của Pháp, cho nên mặt hàng ra tới đâu đều bán hết.
Tiếng vang trên đất nghề phải kể từ khi "mấy anh con trai cụ Thiểm" sản xuất thành công máy đập lúa liên hoàn. Sản phẩm này trở thành thương hiệu của đất nghề Xuân Tiến, sau này được coi là trung tâm sản xuất máy đập lúa liên hoàn lớn trên toàn miền bắc.
Con đường đến với thành công cũng gian nan lắm! Vào những năm 90, khi những chiếc máy đập lúa Cửu Long của một số cơ sở chế tạo ở miền nam xuất hiện trên các tỉnh phía bắc, người nông dân chỉ có thể "chiêm ngưỡng" chứ không thể "sờ" được, bởi giá thành cao ngất nghểu so với điều kiện kinh tế người trồng lúa lúc bấy giờ.
Thấy rõ hiệu quả lớn của công cụ này đối với sản xuất nông nghiệp, mấy anh em miệt mài nghiên cứu và nhiều lần chế tạo thử. Lúc đó vốn liếng còn mỏng, đầu tư cho thử nghiệm khá tốn kém mà hiệu quả chưa ai cầm chắc. Ðể hoàn chỉnh một chiếc máy đập lúa tính ra phải sử dụng hàng chục chủng loại nguyên vật liệu với hơn 200 mã chi tiết, phụ tùng. Trong năm anh em, người say mê với công việc phải kể đến Giang, từ lúc "khởi đầu nan", nhiều năm sau này vẫn bền bỉ tìm sáng kiến cải tiến để máy ngày càng hoàn chỉnh hơn. Riêng anh cả Việt, có đức tính cẩn thận, chắc chắn cũng phải đi vay ba chỉ vàng đầu tư cho việc thử nghiệm sản xuất...
Sản phẩm được tung ra thị trường, giá thành hạ nhiều so với máy Cửu Long, nhưng các hộ nông dân lúc đó mua máy cũng chưa nhiều. Khách hàng ở nơi xa thì còn hoài nghi về chất lượng, hiệu quả của máy. Cả năm anh em, không ai nản chí, tiếp tục cải tiến, hoàn chỉnh sản phẩm.
Ðến năm 1994, thị trường máy đập lúa "nóng" lên. "Tiếng lành đồn xa", nông dân các nơi đổ xô về Xuân Tiến mua máy đập lúa. Nhiều hộ trong xã cũng mở xưởng sản xuất máy đập lúa, có năm tới 30 cơ sở làm mặt hàng này. Khi "cung-cầu" bão hòa, thị trường máy đập lúa lắng xuống, không ít hộ liền ngừng sản xuất hoặc chuyển sang các mặt hàng khác như làm máy ép gạch, máy trộn bê-tông... phục vụ ngành xây dựng.
Nhưng cả năm anh em nhà họ Ðinh vẫn xác định coi đây là mặt hàng truyền thống của làng nghề. Thị trường máy đập lúa vẫn còn dài dài, phải nâng cao hơn nữa chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật để giữ được mặt hàng truyền thống.
Trước yêu cầu đó, Công ty TNHH cơ khí Nhật Việt ra đời với sự góp mặt của năm xí nghiệp anh em và hai chủ doanh nghiệp khác. Từ đây tạo nên sức mạnh trong việc chuyên môn hóa, đầu tư xây dựng các cơ sở vệ tinh sản xuất chi tiết, phụ tùng và điều tiết kế hoạch theo thị trường...
Với cơ chế tự chủ sản xuất, kinh doanh, các thành viên có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo, chủ động, bảo đảm tăng trưởng cho xí nghiệp. Nếu Nhật Tân mạnh về tổ chức sản xuất thì Thành Giang lại đi sâu vào cải tiến nâng cao thương hiệu sản phẩm. "Anh cả" Tân Việt chú trọng độ bền từng chi tiết máy... Cũng vì thế khách hàng đến Xuân Tiến dù mua máy mang thương hiệu nào của Tân Việt, Nhật Tân, Thanh Bằng hay Thành Giang, đều hài lòng về chất lượng hoạt động của máy: không vỡ thóc, nát rơm, tỷ lệ thóc dính rơm không đáng kể...
Máy đập lúa liên hoàn của Nhật Việt đã vượt qua thị trường trong tỉnh đến một số tỉnh phía bắc, miền trung và một số địa phương của Lào và Trung Quốc. Các xí nghiệp trong công ty đã thiết lập hơn 200 đại lý ở các tỉnh, thành phố trong nước. Mỗi năm đất nghề Xuân Tiến lưu thông khoảng hơn mười máy, Công ty Nhật Việt chiếm thị phần tới 60%, mạnh nhất phải kể đến Nhật Tân, Tân Việt, Thành Giang...
Bí thư Ðảng ủy xã Xuân Tiến, ông Phạm Tuân đánh giá: Với sự năng động sáng tạo, thế hệ trẻ hôm nay đã nâng cao vị thế của đất nghề. Việc sản xuất thành công máy đập lúa liên hoàn và các máy công cụ khác đã mở hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bài viết liên quan:

Chia sẻ bài viết này :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

 
Phát triển bởi : Doquangpt | Mai Anh Tứ
Copyright © 2013. KIENLAO.NET - Email: Kienlaonet@gmail.com
Xứ Ðạo Kiên Lao
Xuân Tiến - Xuân Trừong - Nam Ðịnh