Lão nông và kèn đồng lớn nhất Việt Nam

Chiếc kèn to hai người ôm không xuể nhưng độ chính xác gần như tuyệt đối bởi được chế tác tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người bình thường chỉ cần thổi nhẹ, cây kèn vẫn có thể phát ra các âm thanh, nhạc điệu như thường.
“Đây là loại kèn trompette, lớn gấp hơn 1.000 lần những chiếc kèn cùng loại bình thường khác” - Ông Mạnh giải thích - “Sở dĩ chọn loại này trong dàn nhạc kèn vì đây là kiểu khó nhất, bộ phận nén hơi (bộ hơi, bộ pháo) đòi hỏi sự sắc sảo nhiều nhất”.
Tình cờ, giữa năm 2004, một người trên huyện xuống nhờ ông đúc cho chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam. Ông Mạnh do dự, rồi quyết định và mày mò thiết kế bản vẽ.

“Đúc kèn có những quy luật riêng, sự thay đổi tỷ lệ phải đảm bảo đồng nhất ở các chi tiết. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là nguyên liệu và việc triển khai đúc các bộ hơi và bộ pháo”, ông Mạnh cho biết.

Mỗi chiếc kèn đồng đều đảm bảo ba bộ phận cơ bản: thân kèn, bộ hơi và bộ pháo. Bộ pháo có ba củ, mỗi củ pháo có sáu lỗ và sáu lỗ này thể hiện được ba nốt nhạc; các củ pháo kết hợp với nhau trong việc đảm bảo độ dài ngắn của âm thanh và kiêm tất cả các nốt nhạc trong một bản nhạc, kể cả thăng giáng. Vì thế, bộ pháo được xem là khó gò nhất vì là nơi tạo ra âm thanh.
Chỉ tính riêng bộ pháo của chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam này, ông Mạnh dành đến gần nửa năm trời để gò, đúc sao cho đạt độ chuẩn, chính xác cao nhất.
Theo ông Mạnh, “mỗi chiếc kèn sẽ thể hiện những âm thanh đặc trưng của mình, tuy nhiên nếu bộ pháo này không chuẩn, tức là chỉ cần đúc dày hơn, hoặc mỏng hơn thì tiếng kèn sẽ méo và làm hỏng cả dàn nhạc. Gò kèn lớn hay nhỏ cũng đều phải đảm bảo những nguyên tắc này”.
Từ đó, ông dành hết tâm huyết và thời gian vào từng đường nét, chi tiết cho sản phẩm để đời này. Đồng được chọn hoàn toàn nguyên chất, chỉ riêng khâu dát mỏng làm theo công nghệ của Nhật. Còn lại các khâu gò, hàn... toàn bằng phương pháp thủ công.
“Nếu đồng pha tạp, không nguyên chất, âm thanh sẽ không đạt chuẩn, tròn tiếng”, ông Mạnh kể say sưa. Làm một chiếc kèn bình thường, đảm bảo hình thức đẹp, các bộ phận cân xứng, hài hòa đã khó, nay lại là một chiếc kèn khổng lồ. Hơn nữa, các hình thức, bản vẽ chưa có, nên ông mày mò thiết kế và chế tác.
Ngày chiếc kèn thành hình, ông Mạnh run run, khớp chiếc xuy - ê (búp kèn) để hoàn tất các bộ phận và thổi thử. Không ngờ, tiếng kêu rền vang như sấm rồi vút cao tùy sức thổi của mỗi người. Bà con kéo đến chúc mừng ông trong niềm vui khôn tả.
Người sót lại của làng nghề

Hơn bốn năm nay, kỷ lục chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam của ông Mạnh (đang được trưng bày ở Nhà thờ Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, Xuân Trường) vẫn giữ vững danh hiệu. Giới thương kèn cả nước tìm đến với ông để học hỏi, đặt hàng.

Qua tuổi 60, ông Mạnh vẫn rắn rỏi, chắc khỏe. Trung bình mỗi dàn nhạc có đến 14 - 15 loại kèn, với các bè cơ bản.
Ông Mạnh kể vanh vách từng tính năng, cách thức chơi kèn của mỗi loại kèn như một nhạc công chuyên nghiệp, vì theo ông “làm kèn đồng không chỉ biết kỹ thuật mà còn phải hiểu cả nhạc lý, dàn nhạc.
Không hiểu được nhạc lý sẽ không nắm được cấu tạo của chiếc kèn, mỗi khi hoàn thành một cây kèn, phải tự thổi thử, để cảm nhận được âm thanh chuẩn xác đến mức nào”.
Đam mê tiếng kèn đồng từ hồi để chỏm, nhưng do gia đình nghèo nên không thể tự mua được một chiếc kèn để chơi, ông mới nảy sinh ý nghĩ sẽ mày mò tự rèn đúc cho mình một chiếc kèn.


Ông Mạnh truyền nghề cho con cái (ảnh do  nhân vật cung cấp)
Sẵn nghề cơ khí gia đình, ông vay tiền mua đồng về dát mỏng, rồi tự vẽ các bản mẫu và làm thử. Sau bao nhiêu cố gắng, chiếc kèn đồng đầu tiên do ông chế tác cũng được hình thành.

Khi thổi thử thì tiếng kêu cứ tậm tà, tậm tịt; đến chiếc kèn thứ hai, bộ hơi lại không đảm bảo; chiếc thứ ba các củ pháo không tạo được âm thanh chuẩn...
Phải đến chiếc kèn thứ 21, “ngốn” hàng chục tạ thóc, ông mới thành công trong nghề đúc kèn.
Từ chiếc kèn trombone đầu tiên, đến nay ông Mạnh làm được tất cả các loại kèn khác nhau. Điều đáng nói, giá kèn của ông rẻ hơn nhiều so với những loại kèn của phương Tây mà chất lượng vẫn đảm bảo, và được bảo hành hơn chục năm trời.
Chỉ tính riêng chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam, ông làm chưa đầy trăm triệu đồng, trong khi cây kèn kích cỡ bình thường của phương Tây, có giá gần 80 triệu đồng.
Ngồi trong căn nhà khang trang do ông gây dựng từ sự nghiệp đúc kèn, rít điếu thuốc lào, thả khói thuốc bay lảng vảng, ông Mạnh trầm tư: “Nghề đúc kèn Xuân Tiến có từ lâu đời và gây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, đến nay nó đang mai một dần trước sức ép cạnh tranh thị trường, nhất là các loại kèn của Trung Quốc...”.
Từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 các đội kèn của tôn giáo phát triển mạnh kéo theo nghề sửa, làm kèn. Sau thập niên 1950, khi các đội kèn không còn thịnh hành, nghề đúc kèn cũng gặp nhiều khó khăn và bắt đầu suy thoái mạnh.
Đến khi kèn được sử dụng phổ biến thì lại gặp phải sự cạnh tranh mạnh của Trung Quốc, phương Tây... Giờ ở làng nghề truyền thống Xuân Tiến, hầu như chỉ có gia đình ông tiếp tục được công việc này. 
“Làng nghề này giờ phát triển mạnh về nghề cơ khí, đúc đồng mà thiếu chú trọng vào nghề kèn. Tôi cố gắng làm chiếc kèn lớn nhất Việt Nam cũng là để mọi người nhận thấy được lịch sử của làng nghề mình mà tiếp tục truyền giữ” - Ông Mạnh bùi ngùi tâm sự.


Năm lên 17 tuổi, thợ làm kèn trong làng là một người bị khiếm thính, khiếm thị tên Phát qua đời để lại chỗ trống cho nghề đúc kèn. Ông Mạnh đăng ký nhận sửa kèn cho làng dù lúc đó chưa nắm bắt một chút gì về kỹ thuật gò, sửa kèn. “Nghĩ lại lúc đó tôi cũng liều, nhưng vì đam mê quá nên nhận... rồi tự học hỏi, nghiên cứu và cứ thế tồn tại cho đến bây giờ”, ông Mạnh nhớ lại.

Bài viết liên quan:

Chia sẻ bài viết này :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

 
Phát triển bởi : Doquangpt | Mai Anh Tứ
Copyright © 2013. KIENLAO.NET - Email: Kienlaonet@gmail.com
Xứ Ðạo Kiên Lao
Xuân Tiến - Xuân Trừong - Nam Ðịnh